Hai con tàu lưới kéo vỏ thép đang được hoàn thiện để bàn giao cho ngư dân Thái Bình. Ảnh: VGP/Yến Linh
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản
đã đề ra nhiều chính sách, trong đó quan trọng nhất là cơ chế tín dụng cho ngư dân vay vốn để hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản xa bờ.

Đây không chỉ là bước đột phá quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển, mà còn đáp ứng nguyện vọng chính đáng của ngư dân cả nước mong muốn có những con tàu cá hiện đại, an toàn, có khả năng bám biển dài ngày, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền.

Thường trực Chính phủ cũng đã quyết định phân bổ 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Dự kiến, Bộ NNPTNT lên kế hoạch đóng mới hơn 2.500 tàu cá vỏ thép trên toàn quốc.

Ngư dân khẳng định tính năng vượt trội của tàu cá vỏ thép

Thời gian qua, triển khai thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, trong đó có nội dung “củng cố, phát triển ngành cơ khí đóng, sửa tàu cá, có lộ trình phù hợp chuyển nhanh các tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép, vật liệu mới”, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã triển khai chương trình thí điểm đóng mẫu 10 tàu cá vỏ thép cho ngư dân và giao cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào và Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang thực hiện.

Đến nay, 4 tàu vỏ thép đã được hoàn thành và bàn giao cho các ngư dân, trong đó 2 tàu cho ngư dân tỉnh Nam Định và 2 tàu cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Cuối tháng 8 này, Công ty Sông Đào sẽ bàn giao tiếp tục 2 tàu lưới kéo vỏ thép cho ngư dân tỉnh Thái Bình.  

Là một trong những hộ dân đầu tiên của Nam Định đóng mới tàu vỏ thép, ông Phạm Xuân Kình (xã Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định) cho biết, chính sách nêu trong Nghị định 67 sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngư dân, nhất là về nguồn vốn. Nhiều ngư dân có nhu cầu đóng tàu vỏ thép nhưng nếu không được vay vốn thì rất khó thực hiện.

Qua quá trình sử dụng tàu cá vỏ thép Hải Âu 01 từ tháng 1/2014 đến nay, ông Phạm Xuân Kình đánh giá tàu đi biển an toàn, có thể đi dài ngày, chịu sóng gió tốt, khả năng đánh bắt hiệu quả hơn. Sau 9 chuyến đi biển, đa phần đều đạt sản lượng đánh bắt tốt, sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng.

Tại hội nghị “Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, giới thiệu đóng mới tàu cá vỏ thép và phát triển khai thác xa bờ” ngày 12/8 do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức, Chủ tịch HĐTV SBIC Nguyễn Ngọc Sự khẳng định, là đơn vị chủ lực của ngành đóng tàu Việt Nam, SBIC luôn xác định phải đi tiên phong trong nhiệm vụ hiện đại hóa đội tàu cá, đóng mới nhiều con tàu cá vỏ thép cho ngư dân.

Sau khi bàn giao những tàu vỏ thép mẫu đầu tiên, SBIC nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía ngư dân. Phần lớn ngư dân đều khẳng định tính năng vượt trội của tàu vỏ thép như độ bền vững, tính ổn định cao, chịu được sóng gió, đi biển được dài ngày hơn và bảo quản cá tốt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Sự, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân, nhưng để giải ngân nhanh và kịp thời các nguồn vốn này còn cần sự chung tay của các ngành, các cấp, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, và quan trọng nhất là sự đồng thuận của ngư dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Viết Hưng cho biết hiện nay, tàu cá của Nam Định chủ yếu là vỏ gỗ, trong đó chỉ có 18% có khả năng đánh bắt xa bờ. Vì vậy, Nghị định 67/2014/NĐ-CP là cơ hội để Nam Định hiện đại hóa và phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Hưng, theo điều tra và đánh giá, thời kỳ đầu tuy có nhiều khó khăn, nhưng sau khi khắc phục và quen dần, việc sử dụng tàu vỏ thép mới của ngư dân đã đem lại hiệu quả tốt. Phát triển đội tàu cá vỏ thép là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dự kiến, thời gian tới, Nam Định sẽ có thêm 26 tàu đánh bắt thủy sản và 3 tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ NNPTNT tăng thêm số lượng tàu phân bổ cho Nam Định, vì hiện nay nhiều ngư dân muốn đăng kí đóng mới những con tàu vỏ thép.

                                                                  Yến Linh