Thư viện video

Hỗ trợ trực tuyến

Liên kết website

Thống kê truy cập
Online:
Visitor:

Triển khai Nghị định 67 tại Hải Phòng

Ngày đăng: 03-11-2014 13:28 PM             Lượt xem: 1684

Kỳ 1:Ngư dân vui mừng trước sự hỗ trợ lớn của Chính phủ

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.

Chính sách căn cơ hỗ trợ vươn khơi

Description: Tàu cá của ngư dân neo đậu tại vịnh Cát Bà Ảnh: Xuân Thủy

Tàu cá của ngư dân neo đậu tại vịnh Cát Bà

Ảnh: Xuân Thủy

 

Theo ông Nguyễn Tự Trọng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên. Điểm mới quan trọng của Nghị định là khuyến khích đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, trong đó ưu tiên hơn cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu dịch vụ hậu cần này là yếu tố cơ bản để cho triển khai đội tàu khai thác xa bờ hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, chính sách tín dụng được Chính phủ xây dựng trên quan hệ tín dụng thương mại, không phải là lấy tiền từ ngân sách Nhà nước cấp cho ngư dân đóng tàu một cách ồ ạt. Ngư dân và các ngân hàng thương mại làm việc với nhau, tính toán hiệu quả kinh tế rồi quyết định việc vay, cho vay. Nhà nước hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay...Cùng với đó, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho thân tàu và thuyền viên với thủ tục nhanh gọn nhất cũng sẽ giúp ngư dân an tâm bám biển hơn.

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu, xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) vui vẻ cho biết: “Nghị định 67 có mức ưu đãi hỗ trợ ngư dân cao nhất từ trước đến nay. Bà con ngư dân, vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép, Nghị định quy định mức lãi suất hết sức ưu đãi từ 1- 3%/năm, là mức lãi suất thấp nhất hiện giờ, thời gian vay dài là 11 năm. Hạn mức cho vay cũng hết sức cao, từ 70- 95% giá trị đóng mới tàu. Ngoài ra, các tàu đánh bắt xa bờ được vay vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm; tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ tối thiểu 500 triệu đồng/năm…Đây chính là cơ hội vàng để ngư dân đóng tàu lớn, vươn khơi”.

Ngư dân đồng loạt đăng ký đóng tàu vỏ thép

“Có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước cho ngư dân trong Nghị định 67, chúng tôi mới dám mơ đến đóng tàu vỏ thép, vươn ra biển lớn”- anh Tô Quang Trinh, chủ tàu HP 90219 ở xã Đại Hợp (Kiến Thụy) khẳng định- “Tàu của tôi là tàu gỗ cải hoán từ tàu cũ, công suất 180 CV. Gia đình đang làm hồ sơ vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu vươn khơi nhưng chưa vay đủ tiền. Được thông tin về Nghị định 67, cả cụm tàu an toàn chúng tôi gồm 16 anh em đều bàn nhau đăng ký vay vốn hỗ trợ đóng tàu vỏ thép”.   

Đó cũng là mong muốn của phần lớn ngư dân tại xã Đại Hợp. Cả xã có 36 phương tiện khai thác xa bờ thì 29 chủ phương tiện đăng ký đóng tàu vỏ thép, trong đó có 1 phương tiện làm hậu cần nghề cá. Ngư dân đều cho rằng, chưa bao giờ Nhà nước có hỗ trợ lớn như vậy dành cho đóng mới tàu cá nên phải chớp thời cơ để thay đổi phương tiện vươn khơi.

Tại Liên tập đoàn đánh cá Lập Lễ (Thủy Nguyên)- tập đoàn khai thác thủy sản lớn nhất trên địa bàn thành phố, câu chuyện ngư dân bàn bạc sôi nổi nhất hiện nay là làm thế nào thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ. Qua rà soát, rất nhiều hộ muốn được vay vốn, xã tập hợp và giới thiệu lên huyện 288 chủ tàu thực sự có nhu cầu đóng mới tàu vỏ thép và 18 hộ đăng ký đóng tàu dịch vụ. Ông Đinh Khắc Kiệt ở thôn 3 xã Phả Lễ, chủ tàu HP- 2385 TS, công suất 103CV khẳng định: “Gia đình tôi có nghề truyền thống chụp mực, nhiều năm nay tôi muốn đầu tư, đóng mới, nâng công suất tàu để có khả năng vươn khơi, khai thác xa bờ. Tuy nhiên chưa có điều kiện vì muốn đóng mới tàu gỗ công suất lớn hết khoảng 7 tỷ đồng. Gia đình không có tài sản thế chấp ngân hàng. Nếu được vay vốn theo Nghị định 67/CP, tôi sẽ triển khai đóng tàu vỏ thép ngay, vì đây là cơ hội để giúp gia đình có thể đổi đời, phát triển kinh tế lâu dài”.

Trong quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Hải Phòng xác định trong khai thác thủy sản phải tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác hải sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của từng địa phương; xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với từng nghề, từng địa phương…Do vậy, thành phố xác định việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định 67 chính là cơ hội vàng để tiếp sức ngư dân và tổ chức lại nghề cá, từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ theo đúng quy hoạch.

Nguồn: Báo Hải Phòng

Nhóm phóng viên kinh tế

 (Còn tiếp)


Tin cùng chuyên mục