Thư viện video

Hỗ trợ trực tuyến

Liên kết website

Thống kê truy cập
Online:
Visitor:

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ. Ngư dân băn khoăn thủ tục và thiết kế mẫu tàu cá

Ngày đăng: 26-12-2014 13:58 PM             Lượt xem: 1191

Thành phố Hải Phòng vừa có QĐ công bố danh sách 13 cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá trên địa bàn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Thông tin này giải tỏa lo lắng của nhiều ngư dân và các cơ sở đóng tàu. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục khi triển khai đóng tàu đang là vấn đề khiến nhiều ngư dân và các cơ sở đóng tàu băn khoăn.

Doanh nghiệp và ngư dân khó tìm tiếng nói chung

Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có Quyết định 4947 về việc phê duyệt và công bố thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. 21 mẫu tàu được phê duyệt cho 4 vùng bao gồm: vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bộ, với 5 ngành nghề chính.

Theo hướng dẫn, bà con ngư dân muốn có mẫu tàu có thể liên hệ với Chi cục Khai thác nguồn lợi thủy sản ở địa phương để nhận mẫu. Nhưng theo Chi cục khai thác nguồn lợi thủy sản Hải Phòng, đến nay, chưa nhận được mẫu tàu cá nên ngư dân chưa có thể đánh giá có phù hợp với ngành nghề hay không? Việc chậm tiếp cận mẫu tàu của Bộ cũng khiến cho các doanh nghiệp được lựa chọn băn khoăn trong vấn đề thiết kế tàu sao cho phù hợp, đồng thời không có căn cứ để xây dựng, dự toán, giá thành cho từng hạng mục đầu tư. Ngư dân khó lập phương án sản xuất vì không dự toán được tổng mức đầu tư cho tàu phù hợp với ngành nghề.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng cho biết: “Thành phố công bố 13 doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá theo Nghị định 67, trong đó có doanh nghiệp chúng tôi. Mừng thì rất mừng nhưng cũng rất lo vì đơn vị dù đóng được tàu vận tải loại lớn nhưng chưa đóng tàu cá vỏ thép bao giờ. Qua khảo sát ý kiến nhiều ngư dân ở Hải Phòng và cả các tỉnh trong cả nước, chúng tôi thấy bà con đều muốn thay đổi thiết kế tàu so với mẫu của Bộ Nông nghiệp- PTNT quy định. Rồi bà con băn khoăn nếu cải hoán, kết hợp thì thiết kế tàu có thay đổi không? Kết hợp thì kết hợp như thế nào? Cứ như vậy, có lẽ doanh nghiệp đóng tàu và ngư dân khó có tiếng nói chung”.

Tại cuộc họp công bố danh sách 13 doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp đều đề nghị Sở Nông nghiệp- PTNT làm cầu nối giữa ngư dân và các đơn vị đóng tàu, tổ chức hội nghị lấy ý kiến để cùng tìm tiếng nói chung trong việc tìm mẫu tàu phù hợp với điều kiện của nghề cá của ngư dân Hải Phòng.

 

Ngư dân xã Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) trao đổi, tìm hiểu các mẫu tàu vỏ sắt được hỗ trợ đóng mới theo Nghị định 67. Ảnh: Duy Lân

 

Theo ngư dân Đinh Khắc Phi ở xã Phả Lễ (Thủy Nguyên), tại hội nghị tuyên truyền về Nghị định 67/CP vừa qua tại xã, Công ty cổ phần đóng tàu Bạch Đằng cũng giới thiệu với ngư dân một số mẫu tàu khai thác vỏ thép. Tuy nhiên, nhiều bà con thấy mẫu tàu công ty giới thiệu hơi bé so với nhu cầu của ngư dân hiện nay. Các khoang chứa cá, chứa lưới cũng chưa hợp lý. “Nhưng nếu thay đổi cho phù hợp so với yêu cầu nghề, ngư dân lại phải trả phần kinh phí thiết kế, lấy đâu ra? Bà con ngư dân Phả Lễ, Lập Lễ chủ yếu làm nghề vó mực, khi vươn khơi, ganh tàu vươn sang hai bên, nên tải trọng của tàu vó mực phải bảo đảm yêu cầu. Chúng tôi lo tàu vỏ thép không đáp ứng được”- anh Phi khẳng định.

Cần tinh giản thủ tục

Các chủ cơ sở đóng tàu cho rằng, bên cạnh đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng, còn phải bảo đảm thời gian hoàn thành, bàn giao theo yêu cầu của chủ phương tiện. Khó khăn hiện nay là các thủ tục kiểm tra, đăng kiểm quá rườm rà, mất nhiều thời gian.

Ông Phùng Văn Khôi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu chia sẻ, để có thể đóng mới tàu có công suất từ 400CV trở lên theo Nghị định 67, đòi hỏi phải có thiết kế. Do đó, cơ sở phải thuê kỹ sư thiết kế mẫu tàu rồi gửi đến Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòngphê duyệt. Từ đây, hồ sơ thiết kế mẫu tàu phải được gửi Bộ Nông nghiệp- PTNT kiểm tra, phê duyệt lần nữa nên càng mất thời gian, có khi phải chờ đợi đến vài ba tháng. Không chỉ vậy, việc thẩm định, kiểm tra các công đoạn như phóng dạng tàu cá, kiểm tra máy, lắp đặt máy, hạ thủy tàu cá, chạy thử khiến tốn khá nhiều thời gian. Doanh nghiệp mong các bước thủ tục này được tinh giản.

Về phần các ngư dân, nhiều người lo thủ tục xin đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá sẽ rất rườm rà, quá sức bà con. Anh Nguyễn Đình Sành, ngư dân xã Đại Hợp (Kiến Thụy) bày tỏ: “Tôi nghe hướng dẫn làm bộ hồ sơ đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 có tới 8 loại giấy tờ. Trong đó, có nhiều loại ngư dân khó tự làm như phương án sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng lao động, giấy tờ chứng minh khả năng tài chính đối ứng, giấy chứng nhận nghề các có hiệu quả. Ngư dân mong được tinh giản thủ tục hoặc có cán bộ địa phương hỗ trợ thực hiện”…

Để Nghị định 67 của Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống, thành phố và ngành nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương có giải pháp tháo gỡ những băn khoăn chung quanh vấn đề tìm mẫu tàu và tinh giản thủ tục phù hợp.

Hoàng Yên / baohaiphong.com.vn

Nguồn: http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4905/201412/thuc-hien-nghi-dinh-67-cua-chinh-phu-ban-khoan-thu-tuc-va-thiet-ke-mau-tau-2385410/

 *P/s: Thành phố Hải Phòng có 13  đơn vị có đủ năng lực đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đủ điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị...theo Quyết định số 2753 của UBND Thành Phố HP. Trong đó Công ty Cổ phần cơ khí đóng tàu Thủy sản Việt Nam là đơn vị có truyền thống và kinh nghiệm lâu năm chuyên đóng các loại tàu cá, tàu kiểm ngư phục vụ ngành Thủy sản, vì vậy bà con Ngư dân hãy liên lạc với đơn vị chúng tôi. Chúng tôi sẽ tư vấn để đóng ra những con tàu đánh cá phù hợp.

 Mọi chi tiết xin liên hệ: 0313.842665 

Hotline: Mr. Hoàn (TGĐ) 0913342859 - Email: hoandang114@gmail.com; 

Mr. Tuệ (Tp. KHSX): 090.4429216- Email: buiductue@gmail.com

 

 


Tin cùng chuyên mục